Ho là một trong những triệu chứng của nhiều loại bệnh thuộc đường hô hấp hoặc bệnh của các cơ quan khác trong cơ thể có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Khi bị ho, rất khó chịu, mệt mỏi, mất ngủ, rát cổ họng... ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh hay dùng, bạn nên tìm hiểu một số bài thuốc dân gian không chỉ hiệu quả để giảm cơn ho, mà còn an toàn, hạn chế tác dụng phụ do kháng sinh gây ra.
Bài viết dưới đây cẩm nang sức khỏe sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số cách trị ho bằng các bài thuốc dân gian rất hay, nguyên liệu dễ kiếm mà cách chế biến cũng đơn giản, dễ làm. để khắc phục nhanh những phiền phức do ho, viêm họng gây ra.
1. Gừng
Bài thuốc trị ho từ gừng tốt cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Để trị những cơn ho khan, ho có đờm, ho do thời tiết… các mẹ nên rửa sạch gừng, nướng nguyên vỏ cho gừng cháy xém.
Sau đó lột sạch vỏ, giã nhuyễn và ép cho ra nước, cho thêm một ít mật ong, nước gừng để uống, còn bã gừng dùng để ngậm sẽ dịu bớt cơn ho.
Để bài thuốc trị ho từ gừng thêm hiệu quả, mỗi lần uống, bạn nên hâm ấm lại nước gừng. Bạn có thể làm một lần với số lượng lớn và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, dùng dần.
2. Tỏi
Tỏi kết hợp với mật ong sẽ làm tăng tính kháng sinh tự nhiên, giảm viêm họng, tăng sức đề kháng.
Khi bị ho, bạn có thể lấy 4 – 5 nhánh tỏi, đập dập, trộn đều mật ong, đem hấp cách thủy, tới khi ngửi thấy mùi tỏi hăng hắc là được (không cần để tỏi quá nhừ).
Nên để nguội, uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 thìa cà phê.
3. Lá hẹ
Từ lâu lá hẹ kết hợp với mật ong, đường phèn được coi là vị thuốc chữa ho hiệu quả. Trong lá hẹ không có độc tính, dùng rất đơn giản. Bạn có thể lấy 1 nắm nhỏ lá hẹ và đường phèn hấp cách thủy rồi chắt lấy nước uống để tiêu đờm, làm dịu cơn ho.
Nếu không có lá hẹ, bạn có thể dùng các nguyên liệu khác như: cách hoa hồng bạch, hoa khế, lá tía tô, hoa hành….
4. Quả và lá chanh
Với quả chanh tươi, bạn nên ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 15 phút, sau đó cho vào lò vi sóng nướng kỹ. Khi chanh được nướng, những thành phần này sẽ tương tác với nhau tạo ra một dung dịch có tác dụng sát khuẩn.
Để có tác dụng tốt hơn, bạn có thể pha thêm một chút mật ong, khi sử dụng dung dịch này sẽ làm ấm phổi, giảm ho, bớt khản tiếng.
Ngoài ra, lá chanh rất thích hợp với người bị ho lâu ngày không khỏi. Bạn có thể chế biến bằng cách sắc lá chanh với gừng tươi, dùng nước sắc này cơn ho dai dẳng sẽ giảm đi nhanh chóng.
5. Trị ho bằng mật ong
- Mật ong hấp quất còn nguyên vỏ xanh: Quất (3 - 4 quả) rửa sạch vỏ, để ráo nước, bổ đôi quả, bỏ hạt, thái lát mỏng, cho vào bát tô. Đổ mật ong ngập phần quất, trộn đều cho quất thấm đều mật ong.
Sau đó, đem hấp hoặc cho vào nồi đun cách thủy 10 - 15 phút, tới khi quất nhuyễn, quyện đều với mật ong thành một thứ dịch sánh như siro. Để nguội, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 2 thìa café. Khi uống, có thể thêm một vài hạt muối. Không nuốt ngay, ngậm 5 giây trong miệng, để trôi từ từ qua cổ họng, giúp giảm viêm họng, giảm ngứa rát, khản tiếng…
- Mật ong hấp lá hẹ: Lấy 3 đến 5 nhánh lá hẹ, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, cho vào
bát. Đổ mật ong ngập lá, trộn đều, đem hấp hoặc đun cách thủy cho tới nhuyễn. Cách sử dụng tương tự mật ong hấp quất.
- Mật ong hấp lá xương sông: Rửa sạch lá xương sông, thái nhỏ, cho vào bát cùng với 5 thìa mật ong. Cho bát này vào hấp cách thuỷ rồi lấy nước cốt uống. Ngày uống 2 lần, uống liên tục trong khoảng 5 ngày
- Mật ong hấp tỏi: Lấy 4 đến 5 nhánh tỏi, đập dập, trộn đều mật ong, đem hấp cách thủy, tới khi ngửi thấy mùi tỏi hăng hắc là được (không cần để tỏi quá nhừ). Để nguội, uống 2 -3 lần/ngày, mỗi lần 1 - 2 thìa café. Mật ong khi hấp cùng với tỏi làm tăng tính kháng sinh tự nhiên, giảm viêm họng, tăng sức đề kháng.
Có thể làm tương tự cách trên với các nguyên liệu khác như: cánh hoa hồng, rễ chanh, lá húng chanh, quả phật thủ, hoa khế, hoa đu đủ đực, lá tía tô, hành hoa… Tùy theo những nguyên liệu có sẵn trong mỗi gia đình mà sử dụng để chế biến.
6. Rau diếp cá
Đây là vị thuốc kháng sinh có tác dụng kháng viêm trực tiếp trên họng và amidan. Cách làm nhanh nhất là giã nhuyễn rau diếp cá, đun nhỏ lửa cùng nước vo gạo khoảng 20 – 30 phút. Để nguội, sau đó thêm một chút đường cho dễ uống.
7. Lá húng chanh
Là húng chanh cũng là vị thuốc thông dụng chữa ho và viêm họng, được Bộ Y tế xếp vào danh mục 70 cây thuốc Nam thiết yếu. Húng chanh chứa tinh dầu, thành phần chủ yếu là carvacrol có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp.
Trong Đông y, húng chanh có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, dùng để chữa ho, viêm họng, cảm cúm, hen suyễn, sốt…
Sử dụng lá húng chanh trị ho bằng cách: Rửa sạch cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Cho bé uống liên tục 1-2 lần/ngày đến khi hết ho.
8. Lá tía tía tô
Tía tô còn có các tên é tía, tên Hán là tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Tía tô tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc, trị ho rất tốt.
- Nguyên liệu: Lá tía tô; hoa khế; hoa đu đủ đực; đường phèn.
- Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu đã rửa sạch vào bát sứ có ít nước lọc, đun cách thủy bằng lửa than, để sôi nhỏ lửa càng lâu càng tốt. Để nguội hoặc cho vào chai thủy tinh (không cho vào chai nhựa, không để vào tủ lạnh).
Ngoài 8 cách trị ho bằng bài thuốc dân gian kể trên đều an toàn và điều trị hiệu quả với chứng ho thông thường. Tuy nhiên, với những trường hợp ho dai dẳng lâu ngày, ho dữ dội, ho do các bệnh lý mãn tính thì người bệnh nên chọn các bài thuốc đặc trị như Thanh hầu Bổ phế thang để chữa bệnh hiệu quả trong thời gian sớm nhất, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.